Lịch sử Báu_vật_hoàng_gia_xứ_Bohemia

Hoàng đế Matthias của Thánh chế La Mã cùng những báu vật hoàng gia của Bohemia

Vương miện trong bộ báu vật hoàng gia Bohemia được đặt tên theo Thánh Václav, Công tước xứ Bohemia của triều đại Přemyslid. Những báu vật của hoàng gia thường được cất giữ tại nhà nguyện của nhà thờ chính tòa Thánh Vitus. Trong lễ đăng quang của một vị vua mới, báu vật được trao cho nhà vua rồi lại trở về với nơi cất giữ tại nhà thờ vào buổi tối. Sau năm 1918, dưới sự thành lập của nhà nước Cộng hòa Tiệp Khắc, những báu vật hoàng gia Bohemia không còn dùng để thực hiện nghi lễ đăng quang nữa nhưng vẫn giữ một giá trị nhất định, là làm biểu tượng của nền độc lập và vị thế quốc gia.

Quyền trượng và quả cầu vàng ban đầu có niên đại từ thế kỷ 14 được trưng bày ở Viên

Trong quá khứ, những báu vật hoàng gia này từng được cất giữ ở nhiều địa điểm khác nhau nhưng thường được mang đến vào đúng ngày làm lễ đăng quang hoàng gia ở Praha. Vua Wenzel IV của Bohemia có lẽ đã cho chuyển những báu vật này đến lâu đài Karlštejn. Sau đó, báu vật hoàng gia của Bohemia lại liên tục được đổi địa điểm cất giữ vì lý do an toàn. Vào thế kỷ 17, những báu vật này được đưa về lâu đài Praha. Trong Chiến tranh Ba mươi năm (1631), báu vật xứ Bohemia được chuyển đến một nhà thờ ở České Budějovice và sau đó lại bí mật được chuyển đến Kho tàng Hoàng gia tại cung điện Hoàng gia Hofburg của Áo (1637). Đồng thời, quả cầu vàng và quyền trượng ban đầu có niên đại từ thế kỷ 14 cũng được thay thế bằng bản sao mới hơn. Lý do của sự thay thế này có lẽ bắt nguồn từ yêu cầu của vua Ferdinand I của Thánh chế La Mã vào năm 1533. Có thể là do quả cầu và quyền trượng cũ trông hơi giản dị và lại còn thiếu mất vài viên đá quý nên vua Ferdinand I đã cho làm lại một bản mới công phu hơn, được nạm ngọc đầy đủ, để tượng trưng cho uy quyền của Vương quốc Bohemia.[3]

Những báu vật hoàng gia này đã được đưa về Praha vào đúng dịp lễ đăng quang của vua Leopold II của Thánh chế La Mã vào năm 1791. Vào thời điểm đó, truyền thống về bảy chiếc chìa khóa đã được thiết lập, mặc dù những người nắm giữ chìa khóa theo thời gian đã được thay đổi theo thể chế chính trị. Về sau, những báu vật này phải chuyển đến Viên do mối đe dọa từ quân đội Phổ[4] nhưng sau đó đã được trả về với Praha vào ngày 28 tháng 8 năm 1867.[5]

Theo truyền thống cổ xưa và các quy định được đặt ra bởi vua Karl Đệ Tứ vào thế kỷ 14, những báu vật hoàng gia này chỉ được trưng bày để đánh dấu những dịp đặc biệt của đất nước. Trong đó, triển lãm chỉ có thể diễn ra tại lâu đài Praha. Trong thế kỷ 20, có chín khoảnh khắc như vậy đã diễn ra trong lịch sử. Hiện nay, Tổng thống Cộng hòa Séc có toàn quyền quyết định việc trưng bày vương miện Thánh Václav.

Tương truyền rằng, bất cứ kẻ nào dám soán ngôi mà đội chiếc vương miện Thánh Václav lên đầu thì sẽ chết trong vòng một năm. Truyền thuyết này được cho là linh ứng và được nhiều người tin theo bởi có một tin đồn là Reinhard Heydrich, thống đốc Đức Quốc xã của Nhà nước bảo hộ bù nhìn Bohemia và Moravia, đã lén đội thử chiếc vương miện này lên đầu và chưa đầy một năm sau đó thì bị lực lượng phòng vệ quốc gia của Séc ám sát.